Cựu Hồng y Mỹ Theodore McCarrick đã bị buộc phải từ bỏ giáo phẩm của mình trong Giáo hội Công giáo Roma sau khi ông bị kết tội xâm hại tình dục trẻ vị thành niên và người lớn, Vatican cho biết hôm thứ Bảy.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định rằng phán quyết này, theo sau kháng nghị của ông McCarrick, một nhân vật có thế lực trong tư cách là Tổng Giám mục Washington, D.C. từ năm 2001 đến 2006, là phán quyết cuối cùng.
Một thông cáo của Vatican cho biết những tội của ông đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi “yếu tố tăng nặng của hành vi lạm dụng quyền lực.”
Hồi tháng 7, ông McCarrick, 88 tuổi, trở thành giáo sĩ cao cấp đầu tiên của Giáo hội Công giáo Roma sau gần 100 năm bị tước danh hiệu hồng y. Giờ ông trở thành chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội bị buộc hoàn tục trong thời hiện đại.
Quyết định này được đưa ra trong khi Giáo hội tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục kéo dài nhiều thập niên. Các cuộc điều tra đã phơi bày chuyện các linh mục ấu dâm đã được thuyên chuyển từ giáo xứ này đến giáo xứ khác ra sao thay vì bị buộc hoàn tục hoặc bàn giao cho nhà chức trách dân sự xử lí ở nhiều nước trên toàn cầu.
Với phán quyết này, Đức Giáo hoàng Phanxicô dường như đang gửi một tín hiệu rằng ngay cả những người ở thượng tầng phẩm trật cũng sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm.
Phán quyết này, được đưa ra bởi Công nghị của Bộ Giáo lí Đức tin Vatican ba ngày trước, được công bố trước một đại hội vào tuần sau tại Vatican giữa những người đứng đầu các Giáo hội Công giáo cấp quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục toàn cầu.
Bị buộc hoàn tục có nghĩa là ông McCarrick không còn có thể tự gọi mình là linh mục hay cử hành các bí tích, dù ông sẽ được cho phép cử hành lễ đối với người lâm chung trong trường hợp khẩn cấp.
Các cáo buộc nhắm vào ông McCarrick có từ hàng chục năm trước khi ông vẫn còn đang vươn lên đứng đầu hàng giáo phẩm trong Giáo hội Mỹ.
Ông McCarrick, hiện đang sống ẩn dật ở một tu viện hẻo lánh ở bang Kansas, đã lên tiếng công khai đáp lại chỉ một trong những cáo buộc, nói rằng ông hoàn toàn không nhớ gì về vụ việc bị nói là xâm hại tình dục một cậu bé 16 tuổi hơn 50 năm trước.
Ông McCarrick cũng bị xét thấy đã phạm tội dụ dỗ. Tội này xảy ra khi một linh mục sử dụng bí tích xưng tội làm cái cớ để thực hiện một hành vi vô đạo đức với người xưng tội.
TGM Philip Wilson hiện đang là tâm điểm của bê bối ấu dâm ở Úc
VOA - Đức Giáo hoàng Francis hôm thứ Hai, 30/7, chấp nhập đơn từ chức của một tổng giám mục người Úc bị tòa hình sự nước này kết tội che giấu vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, AP đưa tin.
Đức Giáo hoàng Francis đã có hành động này sau khi đối diện với áp lực ngày càng tăng của các tín đồ Công giáo, các linh mục và thậm chí là cả Thủ tướng Úc Malcomm Turnbull.
Đây là thông báo lớn thứ hai của Giáo hội về việc từ chức do có liên hệ đến lạm dụng tình dục trong những ngày qua sau khi Giáo hoàng Francis có động thái bất ngờ giáng chức một hồng y nổi tiếng của Mỹ.
Tổng giám mục Adelaide của Úc Philip Wilson bị kết tội hồi tháng Năm và bị kết án giam giữ một năm vì đã không trình báo cảnh sát về hành vi lạm dụng liên tục hai cậu bé giúp lễ của một linh mục ấu dâm, linh mục quá cố James Fletcher ở khu vực Thung lũng Hunter ở phía bắc Sydney trong những năm 1970. Ông trở thành vị chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã từng bị kết tội trong phiên tòa hình sự về tội che giấu hành vi xấu xa của thuộc cấp.
Ông Wilson bác bỏ các cáo buộc. Ngay sau khi bị kết tội, ông đã tự động đứng ra bên ngoài các hoạt động của giáo xứ nhưng vẫn không từ chức do ông còn chờ kháng cáo. Tuy nhiên, mới tuần trước, Wilson thừa nhận ngày càng có nhiều lời kêu gọi cách chức ông.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 19/7 cũng đã hòa giọng kêu gọi Giáo hoàng Francis hãy sa thải Wilson.
Hồi tuần trước, truyền thông Úc đăng một lá thư từ một trong các nạn nhân là ông Peter Gogarty gửi cho Giáo hoàng Francis kêu gọi Ngài hãy cách chức Wilson. “Hãy tưởng tượng nếu Ngài có thể, với tuổi thơ của Ngài, với sự nuôi nấng trong Công giáo của Ngài, với niềm tin làm tổn thương thanh danh, rằng Ngài bị dính vào một trong những tội lỗi xấu xa nhất trên trần thế,” Gogarty viết trong thư. “Tôi giờ đây đã 57 tuổi và vẫn đang tiếp tục vật lộn với nỗi đau đè nặng trong lòng.”
Trong một thông cáo do tổng giáo phận ông cai quản phát đi, Tổng giám mục Wilson cho biết ông đã tự nguyện đệ trình đơn xin từ chức lên Giáo hoàng Francis hôm 20/7 – một ngày sau khi Thủ tướng Turnbull lên tiếng – và nói rằng ông hy vọng quyết định của ông sẽ giúp các nạn nhân bị xâm phạm và phần còn lại của cộng đồng Công giáo hàn gắn vết thương.
Trong một thông báo ngắn ngủi chỉ có một dòng hôm 30/7, Tòa thánh Vatican cho biết họ đã chấp nhận đơn từ chức của ông Wilson. Hiện 67 tuổi, Wilson còn lâu mới đến tuổi nghỉ hưu cho giám mục là 75 tuổi.
Tư liệu - Hồng y Theodore McCarrick phát biểu trong một buổi lễ truy điệu ở South Bend, bang Indiana, Mỹ, ngày 4 tháng 3, 2015.
Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Bảy đã chấp nhận quyết định từ chức của Đức Hồng y Theodore McCarrick, một trong những nhân vật nổi bật nhất của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, hiện đang là tâm điểm của một vụ bê bối xâm hại tình dục đang mở rộng.
Ông McCarrick, 88 tuổi, cựu tổng giám mục thủ đô Washington, là hồng y đầu tiên trong lịch sử gần đây bị mất mũ đỏ của tước vị của mình. Các hồng y khác từng bị kỉ luật trong các vụ bê bối xâm hại tình dục được giữ lại tư cách thành viên trong Hồng y Đoàn và tôn hiệu "đức hồng y."
Những cáo buộc nhắm vào ông McCarrick, lần đầu tiên xuất hiện công khai vào tháng trước, được đưa ra trong khi Đức Giáo hoàng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hình ảnh trên một mặt trận thứ hai, ở Chile, nơi mà một vụ bê bối xâm hại tình dục ngày càng lớn đã bao trùm Giáo hội.
Một tuyên bố của Vatican cho biết Đức Giáo hoàng, hành động chỉ vài giờ sau khi ông McCarrick xin từ chức vào tối thứ Sáu, đã ra lệnh đình chỉ ông thi hành bất kì thừa tác vụ nào một cách công khai. Điều này có nghĩa là ông vẫn là một linh mục nhưng chỉ được phép cử hành Thánh lễ ở nơi riêng tư.
Đức Giáo hoàng cũng ra lệnh cho ông McCarrick phải ẩn tu “cho một đời cầu nguyện và sám hối tới khi các cáo buộc chống lại ông ấy được xem xét trong một tiến trình giáo luật thông thường.”
Tòa Thánh Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng cấp bậc cao sẽ không còn là lá chắn nữa.
Sự thất thế đột ngột của ông McCarrick khiến Giáo hội Mỹ sững sờ vì ông là một nhà lãnh đạo được nhiều người kính trọng suốt nhiều thập niên và là một người tâm phúc của các giáo hoàng và tổng thống.
Tháng trước, các quan chức Giáo hội Mỹ cho biết những cáo buộc nói rằng ông đã xâm hại tình dục một cậu bé 16 tuổi gần 50 năm trước là khả tín và đã được chứng thực.
Kể từ đó, một người vị thành niên khác đã đưa ra cáo buộc rằng ông McCarrick đã xâm hại người này khi ông ta 11 tuổi, và một vài người đàn ông đã lên tiếng tố cáo ông McCarrick ép buộc họ ngủ với ông tại một ngôi nhà bên bãi biển ở bang New Jersey khi họ là những chủng sinh trưởng thành đang học để trở thành tư tế.
Ông McCarrick đã nói rằng ông "hoàn toàn không nhớ gì" về vụ xâm hại bị cáo buộc nhắm vào một thiếu niên cách đây 50 năm nhưng không bình luận về những cáo buộc khác.
Một giám mục Công giáo Việt Nam, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, vừa gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang để bày tỏ những ý kiến “rất thành thật” và thẳng thắn về Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng (ANM), trong bối cảnh mà ông nói “đất nước nguy ngập”.
Nguyên Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum cũng đề nghị Chủ tịch nước thả hết những người biểu tình bị bắt, “mau chóng ra luật biểu tình”, “tôn trọng ý dân” và bỏ cả hai dự luật.
“Có bao giờ đất nước Việt Nam khổ đến thế này không? Tại sao người Việt không thương dân Việt mà phải ‘đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc (Lê Duẩn) cả mấy chục năm, để rồi ngày nay lại tạo điều kiện dâng đất cho ngoại bang?”, thư của GM. Hoàng Đức Oanh viết.
Lá thư được gửi đi sau khi Quốc hội Việt Nam, theo trong thư, đã “biểu quyết vội vàng dự luật An ninh mạng” mà “không thèm quan tâm ý dân”, và vấn đề hiện chỉ còn tùy thuộc vào chữ ký của Chủ tịch nước.
Trong lá thư dài 4 trang, GM Hoàng Đức Oanh phân tích những lý do vì sao người dân phản đối hai dự luật. Ông nói cả hai dự luật đều “lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm”.
“Dân chúng tôi chống Tàu và chống 2 dự luật đơn giản là sợ mất nước?”, thư viết.
Với những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân vào ngày 10/6 để phản đối hai dự luật, GM. Hoàng Đức Oanh nói việc để xảy ra xô xát là điều đáng tiếc, nhưng ông đặt câu hỏi “Công bằng mà xét, lỗi và trách nhiệm thuộc về ai? Nhà nước hay người dân?”
Trong cuộc trò chuyện với Khánh An của VOA Tiếng Việt, GM. Hoàng Đức Oanh cho biết thêm về nguyên cớ khiến ông phải gửi thư ngỏ cho Chủ tịch nước.
GM. Hoàng Đức Oanh: Với tư cách là một công dân yêu nước, tôi thấy tình hình đất nước nguy ngập, đặc biệt với hai dự thảo luật là Luật An ninh mạng và Luật về 3 đặc khu kinh tế. Cả hai đều không thích hợp và tác hại đến quyền lợi của đất nước Việt Nam. Một cái là bịt miệng người ta, rồi từ đó có thể tiến hành biết bao nhiêu điều khác, như đặc khu kinh tế chẳng hạn. Vả lại, kinh nghiệm cho thấy là Tàu cộng đã bỏ tiền ra, 90% các dự án [tại Việt Nam] là Tàu cộng trúng thầu. Và khi trúng thầu thì họ làm rất giả dối, tốn kém và không có hiệu quả tốt đẹp cho đất nước. Nhìn thấy nguy cơ đó và với lòng yêu nước, tôi phải lên tiếng thôi.
VOA: Khi gửi bức thư với những lời lẽ như vậy, Đức cha có e ngại đã “đụng chạm” quá mức các lãnh đạo Việt Nam hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ là mình rất thành thật. Tôi không chống đối ai, và cả với những người anh em Cộng sản. Với niềm tin của tôi, tất cả đều là anh em của nhau, là công dân Việt Nam. Tôi không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tôi càng không chấp nhận hệ thống điều hành đất nước. Tôi ý thức là tất cả mọi điều đều phát xuất từ Điều 4 Hiến pháp, rồi từ đó họ quyết định hết tất cả. Và cuối cùng thì kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu năm trời họ không giải quyết được gì mà chỉ càng bế tắc thêm.
VOA: Với dự luật về đặc khu, các lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ không đề cập một chữ nào đến Trung Quốc nhưng tại sao người dân lại chống đối. Vậy Đức cha nhận xét thế nào về yếu tố Trung Quốc trong sự phản đối của dân chúng đối với Luật Đặc khu?
GM. Hoàng Đức Oanh: Không cần phải nói đến từ “Trung Quốc”. Quý vị đó phải hiểu rằng với kinh nghiệm của đất nước, với 3 địa điểm làm đặc khu đó, với tình hình Việt Nam đã bị lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trong 90% các dự án mà Tàu cộng trúng thầu, chúng tôi nghĩ rằng 3 địa điểm đó rất nguy hiểm cho an ninh, quốc phòng, kinh tế… nên chúng tôi mới chống đối.
VOA: Đức cha nhận xét thế nào về cách chính quyền đối phó với các cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi rất ngạc nhiên. Vì khi dân chúng nói lên ý kiến của mình khi thấy nguy cơ mất nước đến nơi, với hai dự luật lạc hậu, nguy hại cho đất nước và tương lai của dân chúng nên họ rất ôn hòa biểu tình. Trong khi đó, lực lượng an ninh thay vì giữ gìn trật tự, phục vụ người dân thì lại đàn áp, đánh đập. Chính vì thế tôi muốn lên tiếng nói thay cho nhiều người khác, thay cho những người thấp cổ bé miệng để nói với ông Chủ tịch nước, nhưng vì gửi thư bao nhiêu lần không được nên tôi phải gửi thư ngỏ [trên mạng].
VOA: Theo Đức cha, trong tình hình lúc này, Luật biểu tình cần thiết như thế nào?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ đáng lẽ Quốc hội phải giải quyết Luật biểu tình trước để có một khuôn phép cho dân cứ thế mà làm. Chứ Hiến pháp thì công nhận [quyền biểu tình], nhưng ra luật thì cứ hoãn miết. Trong khi đó, Luật An ninh mạng cũng cần thiết nhưng luật này thì lại không phải về an ninh, mà là chặn lại quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ý kiến của dân.
VOA: Luật Đặc khu được cho là một chủ trương quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Nếu yêu cầu hủy bỏ dự luật, Đức cha có những đề xuất gì cho các lãnh đạo hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Trong thời đại hiện đại rồi, có rất nhiều cách. Trong thư, tôi có nói đến 3 điểm. Thứ nhất, bỏ Điều 4 Hiến pháp. Thứ hai, bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đến cuối thế kỷ này cũng chưa biết XHCN đi tới đâu, thành hình thế nào?”, mà bây giờ mình mông lung như vậy.
Thứ ba, quyền tư hữu đã bị tước đoạt thì phải trả lại quyền tư hữu. Tất cả mọi điều xảy ra khốn đốn cho dân tộc Việt Nam từ trước tới nay, dưới chế độ Cộng sản, là phát xuất từ 3 điểm đó.