Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Đông đảo Phật tử và đồng hương đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, nhiều người trong sắc áo lam, áo nâu sồng, hoặc áo dài, áo vest đã đến tham dự Đại Lễ Vu Lan Phật Lịch 2558 do chùa Quan Âm Orange County tổ chức tại hội trường trường trung học Mc Garvin, Westminster, vào sáng Chủ Nhật, 3 Tháng Tám.
Hạnh phúc cho những ai còn được cài lên áo hoa hồng đỏ trong ngày Vu Lan báo hiếu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Chương trình đại lễ Vu Lan nơi đây bắt đầu khá đúng giờ bằng buổi pháp thoại với chủ đề “Bàn Tay của Mẹ” do Thượng Tọa Thích Tâm Hoàn, viện chủ chùa Giác Hoa, Virginia, thuyết pháp.
Cách dẫn dắt vấn đề, lối nói chuyện dí dỏm của vị chân tu đến từ miền Đông Hoa Kỳ tạo nên nhiều tiếng cười thú vị cùng nhiều tiếng vỗ tay đồng tình của người tham dự trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ thuyết pháp.
Trong lời khai mạc chương trình Đại Lễ Vu Lan, đạo hữu Nguyễn Đình Thiệu, trưởng ban tổ chức, nhấn mạnh đến công lao sinh thành dưỡng dục của các bậc cha mẹ: “Khi ta mới sinh ra đời, cha mẹ yêu thương hơn ngọc ngà, tình yêu thương không lúc nào rời xa, suốt ngày lo lắng cho con từng miếng ăn giấc ngủ, dẫn dắt từng bước đi, lo lắng chở che... Mẹ cha vất vả lao nhọc cả đời để nuôi dạy và xây dựng cho con, hy sinh mọi điều vì lòng thương con.”
“Ca dao có câu 'Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.' Vậy mà khi lớn khôn, có khi ta không vâng lời cha mẹ, lười học rong chơi để cha mẹ phải buồn lòng, khi ra đời đi làm việc xa xôi lại không tạo cơ hội về thăm cha mẹ để cha mẹ phải nơm nớp âu lo... Đến khi cha mẹ lìa đời, có biết thương cha thương mẹ thì cũng chỉ biết ngậm ngùi cúi đầu hối lỗi,” ông nói tiếp.
Chính vì thế, “Mùa Vu Lan về, trước lễ đài Chư Phật, Phật Tử theo gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát, kính cung thỉnh quý chư tôn và các thượng tọa đại đức tăng ni quang lâm lễ đài cử hành đại lễ cầu cho quốc thái dân an, cầu cho cửu huyền thất tổ, cha mẹ của chúng con được siêu linh tịnh độ về nơi cõi Phật an lành.”
Trước khi đại lễ chính thức được cử hành, Hòa Thượng Thích Nhật Minh, viện chủ chùa Hương Tích, Santa Ana, thay mặt chư tôn đức tăng ni ban đạo từ. Đặc biệt, hòa thượng nhắn nhủ: “Hôm nay chúng ta đến đây tham dự buổi lễ báo hiếu, mong rằng những người con nào chưa làm tròn bổn phận báo đáp ân sâu nghĩa nặng với hai đấng sinh thành hãy nên cố gắng thực hiện để khỏi ân hận về sau.”
Thấp thoáng trên ngực áo của đồng hương tham dự là những hoa hồng đỏ, hoặc trắng. Chỉ nhìn vào hai màu sắc đó, người ta có thể bày tỏ được sự cảm thông với những ai đang còn có mẹ, hay nỗi đau mất mẹ, trong đời mình.
Một hình ảnh khá cảm động được nhìn thấy trong ngày này có lẽ là hình ảnh một cụ già ngoài tuổi 85, ngồi trên xe lăn, được ba người con gái đầu cũng điểm sương đưa đến tham dự ngày Vu Lan, dù phần lớn thời gian họ phải ngồi cùng bà cụ bên ngoài hội trường để bà được ngủ. Ngọn gió phất phơ giữa trưa hè, sau một đêm mưa nhẹ, đủ vẽ nên được một hạnh phúc êm đềm của những người con còn có mẹ.
Trong khi đó, một phụ nữ có tuổi ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn rười rượi, tay cầm chiếc hoa hồng trắng bằng vải, kéo vạt áo dài lau nước mắt khi nghe ca sĩ Hương Lan trình bày ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân.

Nỗi xúc động của người phụ nữ trên tay cầm chiếc hoa hồng trắng, kéo vạt áo dài lau nước mắt khi nghe bài "Lòng Mẹ" của cố nhạc sĩ Y Vân. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Lễ dâng hoa cúng Phật do các em thiếu nhi thuộc Gia Đình Phật Tử Chánh Tín đảm trách, cũng như các nghi thức rung chuông Bát Nhã, tụng kinh Vu Lan, niệm hương kính Phật được thực hiện khá chỉnh chu. Phật tử và đồng hương tham dự còn được thưởng thức chương trình thọ trai và văn nghệ đặc sắc do một số ca sĩ tên tuổi "cúng dường" nhân ngày lễ Báo Hiếu này.
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Vu Lan
Vu Lan còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo. Lễ này cũng trùng hợp với ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch xá tội vong nhân của phong tục Á Đông, theo Wikipedia.
Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, Mục Kiền Liên đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật dạy rằng, "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm Tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này, gọi là Vu Lan Bồn Pháp. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
No comments:
Post a Comment