HINH

Thông điệp của ĐGH Phanxico

Thanh Trúc, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>

Wednesday, September 9, 2015

Ðức Giáo Hoàng muốn đơn giản thủ tục tiêu hôn, nhưng...

Ðỗ Dzũng/Người Việt
VATICAN (NV) - Hôm Thứ Ba, 8 Tháng Chín, Ðức Giáo Hoàng Francis công bố hai Tự Sắc, cho biết muốn đơn giản hóa thủ tục tiêu hôn mà bấy lâu nay bị nhiều người chỉ trích là tốn kém và mất thời giờ, làm cho nhiều giáo dân nản chí, cảm thấy không còn gần gũi với giáo hội Công Giáo.

Tuy nhiên, theo Linh Mục Trần Văn Kiểm, linh hướng và điều hành Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, điều này không dễ dàng vì có nhiều yếu tố liên quan.

HINH
Ðức Giáo Hoàng Francis. (Hình: Vincenzo Pinto/AFP/Getty Images)

Tiêu hôn có nghĩa là hai vợ chồng xin hủy bí tích hôn phối, với nhiều lý do khác nhau, và hiện nay, chỉ có tòa án hôn phối của giáo phận mới có thẩm quyền giải quyết, theo Linh Mục Kiểm, người từng làm công tác mục vụ qua bảy giáo xứ và một trung tâm tại Giáo Phận Orange trong gần 25 năm qua.

“Theo kinh nghiệm của tôi, Mỹ là nơi giải quyết tiêu hôn nhiều nhất. Còn ở Việt Nam thì rất khó, vì nhiều nơi không đủ nhân lực cho tòa án để làm công việc này. Các giáo hội tại các quốc gia thuộc thế giới thứ ba cũng vậy,” vị linh mục nói với nhật báo Người Việt.

Trong hai Tự Sắc mới này, Ðức Giáo Hoàng muốn đơn giản hóa và mau lẹ hóa, đồng thời liệt kê một số tiêu chuẩn cải tổ thủ tục tiêu hôn.

Luật mới

Theo Linh Mục Trần Ðức Anh của VietCatholic News, sau đây là một số tiêu chuẩn cơ bản Ðức Giáo Hoàng Francis hướng dẫn cải tổ:

1- Chỉ cần một phán quyết xác nhận hôn phối vô hiệu và không cần phải hai phán quyết hay hai bản án đồng thuận về sự vô hiệu ấy, thì hai người liên hệ mới được lập một hôn phối khác theo phép đạo. Chỉ cần xác tín luân lý của vị thẩm phán thứ nhất theo luật là đủ.

2- Vị thẩm phán duy nhất ấy ở dưới trách nhiệm của giám mục giáo phận. Việc thành lập hoặc bổ nhiệm thẩm phán duy nhất này, là giáo sĩ, cho tòa cấp một, thuộc trách nhiệm của giám mục. Khi thi hành quyền tư pháp của mình, giám mục phải bảo đảm làm sao để khỏi có sự tháo thứ.

3- Chính giám mục là thẩm phán.

4- Thủ tục cứu xét vắn tắt. Ngoài việc làm cho thủ tục cứu xét mau lẹ, cần có một hình thức cứu xét vắn tắt, thêm vào việc cứu xét các hồ sơ tài liệu hiện hành.

VietCatholic News trích lời Ðức Giáo Hoàng Francis nói: “Tôi cũng biết một phán quyết thu vắn có thể làm thương tổn tính chất bất khả phân ly của phép hôn phối. Chính vì thế tôi muốn việc xét xử, cứu xét như thế do chính giám mục làm thẩm phán.

5- Kháng án: Nên tái lập việc kháng án lên tòa án vì tòa án này, vốn ổn định qua bao thế kỷ, là dấu hiệu nổi bật nói lên công nghị tính trong giáo hội.

6- Các hội đồng giám mục phải tôn trọng giám mục trong việc tổ chức xét xử trong giáo phận của họ.

7- Giáo dân có quyền kháng án lên Tòa Thánh.

Ngoài ra, Ðức Giáo Hoàng còn đề nghị một thủ tục tiêu hôn nên thực hiện trong vòng 45 ngày.

Luật hiện hành

Theo Linh Mục Trần Văn Kiểm, ngày xưa, tiêu hôn gần như không có, vì có khổ họ vẫn sống với nhau. Nhưng về sau này, phong trào bỏ nhau gia tăng vì họ không sợ tai tiếng.

“Nhưng để được giải quyết rất khó,” vị linh mục cho biết. “Nên nhớ, khi đã thành vợ chồng, không có quyền lực nào trên thế gian này có thể giải được, ngay cả đức giáo hoàng, tổng thống, hay vua chúa. Ðơn giản là 'sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân chia' qua bí tích hôn phối, giữa một người nam và một người nữ.”

Cũng theo Linh Mục Kiểm, “Những nguyên nhân có thể được xét để tiêu hôn vì hôn nhân đã 'không thành ngay từ lúc đầu' bao gồm cưới nhau quá sớm, chưa chín chắn; có sự lừa dối, ví dụ như có bệnh nan y, vô sinh...; cưới nhau do sự sắp đặt hoặc ép buộc; vợ chồng không chung thủy, tức là có nguyên nhân tiềm ẩn, bây giờ mới lộ ra.”

“Khi gặp hai người muốn tiêu hôn, tôi phải hướng dẫn, bắt họ nghiên cứu lý do, xem có áp dụng vào được trong trường hợp của họ hay không. Rồi phải trả lời 21 câu hỏi của tòa án hôn phối, nếu không, thì tòa không giải được,” linh mục giải thích. “Lý do chính cho việc tiêu hôn hiện nay là không chung thủy.”

“Tiêu hôn hiện nay do tòa án hôn phối giáo phận quyết định,” theo Linh Mục Trần Văn Kiểm.

Khi xin tiêu hôn phải có giấy rửa tội bản chính, hoặc bản trích lục mới nhất, nếu không, phải có nhân chứng, tuyên thệ đàng hoàng; bản hôn thú cũ, để tòa xem có gì sai trái không; giấy ly dị chính thức (final decree of divorce), thì tòa mới cứu xét.

“Chưa hết, mỗi bên phải có ba nhân chứng. Những người này phải biết rõ đời sống của hai vợ chồng muốn tiêu hôn để viết ra lời khai với tòa,” vị linh mục nói tiếp. “Hồi trước, các nhân chứng có thể viết bằng tiếng Việt, nhưng bây giờ phải có bản tiếng Anh, vì phán quyết tiêu hôn ở Giáo Phận Orange phải được Tổng Giáo Phận Los Angeles hoặc Giáo Phận San Diego xem xét, gọi làm kiểm tra chéo.”

Linh Mục Kiểm cho biết chi phí một lần xin tiêu hôn khoảng $700, để trả lương cho thư ký, còn các linh mục làm việc không tính thù lao.

“Nói chung, một vụ xử tiêu hôn hiện nay vô cùng phức tạp, vì lệ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như hồ sơ mất, con người, v.v... có nhanh cũng phải mất cả năm hoặc năm rưỡi trời. Như vậy là nhanh rồi, chứ trước đây có khi đến hai hoặc ba năm mới xong,” Linh Mục Trần Văn Kiểm giải thích. “Có người thấy lâu quá đành bỏ ý định xin tiêu hôn luôn, vì họ không thể chờ được lâu như vậy.”

Linh mục nhận xét về Tự Sắc như sau: “Tôi không biết làm sao có thể kết thúc mọi chuyện trong 45 ngày như Ðức Giáo Hoàng Francis muốn, vì xét xử một vụ tiêu hôn phải điều tra rất nhiều, tốn thời gian, công sức, và mọi chuyện không phải lúc nào cũng như chúng ta muốn.”

Dù sao, quyết định của Ðức Giáo Hoàng Francis cũng cho thấy Vatican đang thay đổi, và rất đáng khuyến khích.

“Phải nói là quyết định của Ðức Giáo Hoàng Francis rất hay, rất thực tế. Ðây là một quan tâm của ngài đối với các gia đình bị đổ vỡ. Một quyết định rất nhân từ,” Linh Mục Niên Trưởng Mai Khải Hoàn, quản nhiệm giáo xứ Saint Nicholas ở Laguna Woods, nói với nhật báo Người Việt.

Linh mục nói thêm: “Và tôi nghĩ rằng, quyết định này của ngài không có nghĩa là bỏ luật, mà chỉ muốn giải quyết nhanh thôi, vì hiện nay khắt khe quá, không tốt cho những gia đình bị đổ vỡ.”

No comments:

Post a Comment