HINH

Thông điệp của ĐGH Phanxico

Thanh Trúc, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>

Tuesday, October 14, 2014

Thủ tướng Việt Nam sắp diện kiến Đức Giáo Hoàng

Việt Nam tới nay chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, nhưng quan hệ đôi bên được đánh giá là đang dần cải thiện trong những năm gần đây.
Việt Nam tới nay chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, nhưng quan hệ đôi bên được đánh giá là đang dần cải thiện trong những năm gần đây.
Trà Mi-VOA, Cập nhật: 13.10.2014 12:26
Thủ tướng Việt Nam sẽ diện kiến Đức Giáo Hoàng Franxicô tại Tòa Thánh Vatican vào cuối tuần này nhân chuyến công du Châu Âu từ ngày 12/10 đến 18/10.

Theo thông cáo báo chí của Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp kiến ông Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18. Người đứng đầu Phòng Báo chí Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết cuộc gặp ‘giúp đào sâu những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh.’

Trưởng Ban Việt ngữ đài phát thanh Radio Vatican tối ngày 13/10 xác nhận với VOA Việt ngữ cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam và Tòa Thánh Vatican sẽ diễn ra lúc 12 giờ rưỡi trưa thứ bảy, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Linh mục Trần Đức Anh:
“Chắc chắn, họ xác nhận cuộc gặp diễn ra lúc 12 giờ rưỡi trưa thứ bảy tới. Cũng chỉ biết qua thông cáo vậy thôi vì tất cả những cái đó trong Vatican họ nói chuyện với nhà nước Việt Nam, sau đó, chuyện phái đoàn Tòa Thánh đi Hà Nội làm việc với tổ công tác hỗn hợp vậy thôi, thì họ cũng ra thông cáo vậy thôi, chứ còn nội dung chi tiết thì tôi không biết.”

Đây là lần thứ hai Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến tại Vatican sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa ông với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.

Việt Nam tới nay chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, nhưng quan hệ đôi bên được đánh giá là đang dần cải thiện trong những năm gần đây.
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.

Tự do tôn giáo tại Việt Nam là một trong những vấn đề gây quan ngại cho quốc tế khi nhắc tới thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Giới hoạt động nhân quyền tố cáo số nhà hoạt động tôn giáo tại Việt Nam bị bắt bớ, tù đày tiếp tục gia tăng và các tổ chức tôn giáo không được nhà nước cấp phép hoạt động vẫn bị đàn áp, sách nhiễu.

Gần đây, một thỉnh nguyện thư của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam đang thu thập hàng ngàn chữ ký trên mạng phản đối việc nhà nước sắp dẹp bỏ một số cơ sở tôn giáo tại Thủ Thiêm bao gồm giải tỏa Chùa Liên Trì, Giáo xứ Công giáo Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Giới chức Công giáo trong nước nói họ hy vọng cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Vatican sẽ mở ra những chuyển biến tích cực cho mối quan hệ đôi bên và vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Giám mục chính tòa của Giáo phận Vinh ở miền Trung Việt Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Trước mắt, hy vọng vấn đề thường trú của Khâm sứ Tòa Thánh được thực hiện trong cuộc gặp này. Đó là hy vọng của nhiều thành phần trong Giáo hội. Đồng thời, dư luận cũng hy vọng điều Thủ tướng đã hứa và thảo luận nhiều lần sẽ được thực hiện đó là cho giới Công giáo được hoạt động về y tế và giáo dục, đặc biệt đối với những người khuyết tật. Cũng hy vọng mối tương quan giữa người Công giáo và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam bớt khó khăn hơn. Điều đó cũng lệ thuộc vào biến đổi của thế giới và tương quan của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Nói chung, chúng tôi cũng lạc quan. Càng có nhiều tương quan như vậy càng tốt, nhất là đây là một cuộc gặp quan trọng và hiếm. Rất mong mỗi lần có cuộc gặp như vậy sẽ có thêm bước tiến nữa xích lại gần nhau hơn. Đó là điều có lợi cho dân Việt Nam và người Công giáo Việt Nam.”

Người đứng đầu Phòng Báo chí Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết cuộc gặp ‘giúp đào sâu những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh’
Người đứng đầu Phòng Báo chí Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết cuộc gặp ‘giúp đào sâu những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh’

Trong quá khứ, Việt Nam và Vatican từng có vài cuộc gặp cấp cao kể cả các cuộc diện kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, vẫn theo lời Đức Giám mục Vinh, sau những sự kiện đáng chú ý đó vẫn chưa mấy có những chuyển biến đáng kể như mong đợi.

Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp:
“Cũng phải hiểu tình hình Việt Nam như vậy là chậm. Nhưng ‘chậm vẫn hơn không’, cho nên chúng tôi vẫn hy vọng. Trong bối cảnh hôm nay, cuộc gặp gỡ sắp tới là có lợi cho cả hai bên, giúp Việt Nam mở ra với cộng đồng quốc tế hơn và cũng giúp cho những người thuộc các tôn giáo được đóng góp nhiều hơn để phục vụ đất nước-dân tộc.”

Việt Nam và Vatican đã tổ chức 5 vòng đối thoại của nhóm công tác hỗn hợp về quan hệ đôi bên.

Kể từ tháng tư 2011, đặc sứ không thường trú của Vatican đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Việt Nam và tham dự các sinh hoạt tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo trong nước.

Cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vị chủ chăn đứng đầu Tòa Thánh là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Châu Âu của nhà lãnh đạo Việt Nam mà truyền thông nhà nước nói nhằm thúc đẩy hợp tác với EU.

Ông Dũng đã đáp máy bay tới Bỉ vào chiều hôm qua. Thông tấn xã Việt Nam cho hay các cuộc thảo luận Việt-Bỉ dự kiến hướng tới việc tìm cách phát triển quan hệ đối tác song phương trong nhiều lĩnh vực kể cả công nghệ kỹ thuật và phát triển xanh.

Thủ tướng Dũng cũng sẽ thăm Ủy ban Châu Âu và Đức, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Tại Italy, ông cũng dự kiến tham dự Hội nghị Á-Âu ASEM 10 trong hai ngày 16 và 17/10.

158 trí thức ở Châu Âu tuần rồi đã gửi thư cho Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi chính phủ Đức áp lực Việt Nam phóng thích tù nhân tôn giáo-tù nhân chính trị và cải thiện nhân quyền trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cùng lúc đó, giới hoạt động nhân quyền người Việt ở hải ngoại cũng đệ kiến nghị thư tới Thủ tướng Đức yêu cầu lưu ý vấn đề nhân quyền Việt Nam khi tiếp đón nhà lãnh đạo quốc gia cộng sản Việt Nam.

Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Đôi bên đã ký Hiệp định khung Đối tác-Hợp tác Toàn diện và đang thương lượng về Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Việt Nam-EU.

Tính tới nay, Việt Nam đã có quan hệ chiến lược với 6 nước trong khối EU bao gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, và Italy.

Châu Âu là bạn hàng lớn thứ nhì của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment