Thứ Tư ngày 20.02.2013
Lịch sử Việt Nam có nhiều vị anh hùng đáng ngưỡng mộ, trong đó Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ là một nhân vật cận kim mà hình ảnh còn khắc sâu trong tâm khảm của các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo bất khuất đang đấu tranh trong nước. Ngài đã qua đời vì âm mưu giảo quyệt của CSVN, nhưng di sản của Ngài đã góp phần tích cực vào đời sống tâm linh của dân tộc. Thêm vào đó, tôn giáo Ngài khai sáng sẽ có những đóng góp chiến lược vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Vừa qua, trong bài viết nói về Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải có đề cập đến sự mất tích của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vị Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hoà Hảo, như là một công án lịch sử không những đè nặng trên tâm thức của các tín đồ Hoà Hảo mà ngay cả trên tâm thức của những người dân Việt yêu nước. Lý do vì Ngài có công khai sáng một nền đạo pháp thuần túy dân tộc, thổi một luồng tư tưởng mới vào Phật Giáo dân gian và đoàn ngũ hoá những người dân chất phác. Khi tổ quốc lâm nguy, Ngài đã hiên ngang cởi "áo cà sa" để khoát lên "chiến bào" làm một chiến sĩ cứu dân, cứu nước. Đáng kể hơn hết là sau khi Ngài viên tịch, đạo pháp của Ngài vẫn góp phần vào công cuộc diệt trừ độc tài CS, viết lên một trang sử mới cho dân tộc qua hệ thống tôn giáo Hoà Hảo.
Theo quan điểm của tác gỉa bài viết này thì Đức Thầy là một khuôn mặt lớn của lịch sử cận kim, nhưng chưa được lịch sử đánh giá đúng mức so với công lao to tát của Ngài. Đầu năm mới, người dân Việt không những tưởng nhớ đến chiến thắng lịch sử Đống Đa của QuangTrung Đại Đế, chiến thắng Bạch Đằng Giang của Đức Ngô Quyền, mừng ngày Đản Sinh của Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (tức ngày 15/1/1920), đồng thời chúng ta cũng nhớ đến ngày Đức Thầy bị thọ nạn dưới bàn tay gian ác của CSVN. Tuy chỉ ở thế gian 27 năm ngắn ngủi nhưng di sản của Đức Thầy để lại quả là to tát. Những nét lớn của di sản này có thể được tóm lược như sau: -
1. Đức Thầy có công khai sáng một nền đạo pháp thuần túy dân tộc. Tuy giáo lý Hoà Hảo là thuần túy Phật Giáo, nhưng phương thức truyền đạt tư tưởng lại hoàn toàn sử dụng bằng ngôn ngữ dân gian không phải chữ Hán. Đức Thầy còn là một thi nhân có tài xuất khẩu thành thơ, lời thơ của Ngài tuy giản dị nhưng rất thâm sâu.
2. Phật Giáo Hoà Hảo được điều hợp bởi các ban trị sự từ các cấp Ấp, Xã, Quận, Tỉnh, và Trung Ương, cùng một Hội Đồng Bảo Pháp. Đức Thầy áp dụng các phương pháp tổ chức chặc chẽ vào một tôn giáo cổ truyền, phát huy được sức mạnh tiềm tàng để góp phần vào công cuộc kháng Pháp, xây dựng đất nước.
3. Khi đất nước nhiễu nhương dưới sự thống trị của ngoại bang, Đức Thầy đã cởi áo tu sĩ, hòa mình cùng đồng bào dũng cảm đứng lên chống giặc ngoại xâm. Ngài thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết Phật Giáo, Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để tranh đấu cho độc lập, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất và Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Ngài thành lập Viêt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với những tôn chỉ dân chủ và công bằng xã hội cấp tiến chưa từng thấy ở giai đoạn đó của lịch sử.
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, Giáo Chủ bị thọ nạn ở tuổi 27 bởi bàn tay của CSVN mà Hồ Chí Minh là người lãnh đạo. CSVN đã dùng chiêu bài giả vờ mời Đức Thầy đến hoà giải các cuộc xung đột giữa họ và giáo dân, sau đó lại cho quân mai phục bất ngờ hạ sát Ngài. Đến nay, CSVN vẫn từ chối không lên tiếng chính thức về biến cố này.
Khi duyệt lại lịch sử CS Quốc Tế, có một sự kiện tương tự đã từng xảy ra tại Đông Âu: Vào ngày 5 tháng 3 năm 1940, một cuộc thảm sát 22,000 sĩ quan và trí thức ưu tú của Ba Lan tại rừng Catyn, âm mưu này do Stalin và Bộ Chính Trị đảng CS Liên Xô dàn dựng. CSLX đã dùng kế thương thuyết làm như có ý phóng thích những người Ba Lan để cùng nhau liên hiệp chống lại Đức Quốc Xã của Hitler. Không ngờ Stalin đã ra lệnh tàn sát tòan bộ tập thể này, làm tiêu tan hết nguyên khí của dân tộc Ba Lan nhằm mục đích dọn đường cho Liên Xô thanh toán quốc gia này.
Bài học thảm sát tại rừng Catyn hẳn Hồ Chí Minh đã học được từ trường đảng tại Liên Xô, rồi đem ra áp dụng đối với Đức Thầy cùng các cận vệ của Ngài. Trong giai đoạn này của lịch sử, giới sĩ phu Việt Nam còn mang nặng tinh thần đạo đức, tiết tháo cổ truyền. Đức Thầy và các cận vệ bị CSVN phương hại không phải vì họ thiếu phương tiện hay trí tuệ, mà chính vì họ không thể tưởng tượng nỗi mức độ tàn ác và phi nhân tính của những người CS phát xuất từ các trường huấn luyện đảng viên của Đệ Tam Quốc Tế, trong đó có Hồ Chí Minh. Tuy nhiên "thiên bất dung gian", CSVN dù có xảo quyệt tới đâu thì tà cũng không thể thắng chánh! Hồ Chí Minh đã qua đời từ lâu, còn đảng CSVN hiện nay đang đứng trên bờ vực thẳm, họ đã lộ nguyên hình là một tập đoàn phản quốc, hại dân, không còn chỗ đứng trong lịch sử. Trong khi đó Đức Thầy Hùynh Phú Sổ dù đã qua đời từ năm 1947, nhưng đạo Hoà Hảo vẫn trường tồn trong lòng dân tộc và tiếp tục phát triển. Nếu thống kê của CSVN ước lượng dân Việt Nam có 2 triệu người theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo, thì chúng ta nghĩ rằng con số thật sự có thể lên đến 6 hay 7 triệu người.
Ưu điểm chiến lược của Phật Giáo Hoà Hảo là các tín đồ sống tập trung tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong thời bình và dân chủ, lá phiếu của họ sẽ có tính quyết định trong các cuộc bầu cử tự do, công bằng. Trong thời loạn, họ có hệ thống liên lạc có tính quyết định trong các tranh chấp. Chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu một ngày gần đây, tín đồ các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ góp phần lớn lao trong công cuộc lật đổ bạo quyền CS, để khai thông sinh lộ cho dân tộc. Lúc đó, tòan dân Việt càng tưởng nhớ đến công ơn của Đức Thầy Hùynh Phú Sổ như là một nhà ái quốc hàng đầu của tổ quốc Việt Nam!
Đà Giang
Đạo pháp thường hay dung với hòa,
ReplyDeleteXét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người thứ ta.
Đức Thầy
Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ
Thanks An Trinh, để lãi lời vàng ngọc.
DeleteNhân dịp Ngày Lễ Tình Yêu (HAPPY VALENTINE’S DAY) xin tặng các “bạn thân”
ReplyDeleteTÌNH YÊU
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời, yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.
Miền Đông 1946
(Một thiếu nữ ở Sài Gòn thầm yêu Đức Thầy , trong khi Ngài còn ẩn lánh Việt Minh ; thấy vậy , Đức Thầy bèn viết ba bài thi trên đây để cảnh tỉnh cô ấy)
Ghi chú :Tôi đưa bài nầy lên để góp vui với các bạn, trong Ngày Lễ Tình Yêu (HAPPY VALENTINE’S DAY) và để nói lên tình yêu Đất Nước Dân Tộc trên hết của Ngài , mà còn phải bị VM (cộng sản ngày nay) truy sát . Ngoài ra không có sự khoe khoan về Ngài, xin phép Quí bạn.
AT
Cám ơn nhiều!
Delete