HINH

Thông điệp của ĐGH Phanxico

Thanh Trúc, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>

Sunday, May 25, 2014

Chúa Giêsu, đề tài nghiên cứu vô tận

j
PIC Thanh Phương - RFI
Đêm mai, đêm 24 sang ngày 25/12, hơn 2 tỷ người Công giáo trên thế giới mừng lễ Giáng Sinh, bởi vì đây là đêm mà theo Kinh Thánh Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, sinh ra nghèo hèn trong máng cỏ hang lừa Bêlem. Cho dù không phải là một tín hữu, ai cũng phải công nhận rằng Chúa Giêsu là một nhân vật quan trọng của lịch sử thế giới và tư tưởng của Ngài chính là một trong những nền tảng của văn minh nhân loại.
Hơn 2000 năm đã trôi qua, nhưng cho tới nay, Chúa Giêsu vẫn là đề tài nghiên cứu vô tận của các nhà sử học, các nhà tôn giáo học, ... Không biết bao nhiêu quyển sách, bài báo đã được viết về Chúa Giêsu, biết bao phim ảnh về Ngài đã được chiếu.

Cũng từ hai ngàn năm nay, Chúa Giêsu vẫn là một nhân vật mà chung quanh đó đã có biết bao chuyện hoang đường được thêu dệt. Chẳng hạn, như tại Châu Á, vẫn có một truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu thật ra không phải đã chết trên thập giá ở Jerusalem, mà sau khi bị tổng trấn Philatô tuyên án đóng đinh, Ngài đã lánh nạn đến tận miền bắc Nhật Bản ! Tại đây, Chúa Giêsu đã trở thành một nông gia làm nghề trồng tỏi và sống yên bình với vợ con cho đến khi qua đời một cách thanh thản ở tuổi 106 ( ! ) tại làng Shingo, trên đảo Honshu.

Đương nhiên là người Công giáo cũng như là nhiều người khác không tin vào những chuyện vô lý như vậy, thế nhưng mỗi năm, hàng ngàn khách hành hương vẫn kéo đến nghĩa địa mà người dân địa phương cho là nơi Chúa Giêsu yên giấc nghìn thu. Thậm chí tại làng này, có cả những người tự nhận là dòng họ của Chúa Giêsu, cho dù chưa bao giờ họ đặt chân đến nhà thờ !

Chúa Giêsu, Ngài là ai ?

Chúa Giêsu, thật sự Ngài là ai ? Nếu ta đặt câu hỏi này với một Giáo dân, thường thì câu trả lời sẽ rất đơn giản: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người và chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Sau ba ngày, Ngài đã phục sinh và lên trời về với Chúa Cha. Đó là những gì mà Kinh Thánh dạy cho các tín hữu.

Nhưng đối với các nhà sử học thì câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: Chúa Giêsu đã tồn tại hay không? Câu hỏi này đã và vẫn tiếp tục gây nhiều tranh luận cho tới ngày hôm nay. Có những nhà nghiên cứu bác bỏ hoàn toàn sự hiện hữu lịch sử của Chúa Giêsu, những người khác thì công nhận Chúa Giêsu là một nhân vật có thật, nhưng cuộc đời của Ngài không giống như những gì mà Giáo hội rao giảng.

Trong suốt hàng mấy thế kỷ sau Công nguyên, Tân Ước vẫn được coi là chân lý bất di bất dịch, không ai được đụng đến. Nhưng đến cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, các nhà nghiên cứu bắt đầu mạnh dạn đặt lại nhiều vấn đề được nêu lên trong các sách Phúc Âm. Chính tại nước Đức, quê hương của đạo Tin Lành, mà các nhà sử học và thần học bắt đầu viết những cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu. Tiêu biểu là cuốn sách của nhà thần học Đức David Strauss, mô tả Chúa Giêsu như là một bậc hiền triết, nhà tôn giáo và nhà tâm linh. Thành công của cuốn sách này đã thúc đẩy nhà sử học Pháp Ernest Renan viết cuốn sách « Cuộc đời Chúa Giêsu », xuất bản vào năm 1863, và được độc giả thời ấy tán thưởng nhiệt liệt. Cho tới nay đây vẫn là một trong những cuốn sách gối đầu giường của những nhà nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo.

Khi viết hai cuốn sách nói trên, cả hai tác giả tiên phong Đức và Pháp đều dựa theo các sách Phúc Âm, kết hợp với những hiểu biết của họ về thế giới Do Thái và La Mã thời ấy, chứ không bàn đến chuyện Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay không. Chính vì thế mà cả hai ông Strauss và Renan đều bị Giáo hội Công giáo kịch liệt lên án.

Nhưng phong trào nghiên cứu về nhân vật Giêsu vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay. Bây giờ thì không chỉ các lãnh đạo của Hội Thánh Tin Lành, mà ngay cả của Giáo hội Công Giáo cũng chấp nhận rằng các sách Phúc Âm có thể là đề tài nghiên cứu mang tính phê phán. Ngay cả cựu Giáo hoàng Benedicto 16, nguyên là một nhà thần học Công giáo, gần đây cũng đã cho xuất bản công trình nghiên cứu của Ngài gồm 3 cuốn sách về Chúa Giêsu. Tuy tác giả các cuốn sách này tỏ ra rất thận trọng, nhưng nếu mà Giáo hoàng viết như vậy cách đây 100 năm, thì chắc chắn Ngài đã bị Giáo hội « khai trừ » rồi !

Trong số các nghiên cứu mới nhất về Chúa Giêsu có một cuốn sách vừa được xuất bản tại Pháp, tựa đề « Jésus, cet homme inconnu » ( Giêsu, con người xa lạ này ). Tác giả là bà Christine Pedotti, tổng biên tập tạp chí Công giáo Témoignage chrétien và đã từng viết nhiều sách về đức tin Ky-tô giáo. Nhà báo Pedotti có một cái nhìn đặc biệt về Chúa Giêsu theo cảm nhận của một phụ nữ Công giáo, khiến cho Đấng Cứu Thế trở thành một nhân vật rất gần gũi, rất « đương thời ».

Trong cuốn sách, nhà báo Pedotti trình bày sen kẻ nhau những đoạn kể chuyện sống động với những đoạn giải thích, tổng hợp những nghiên cứu mới nhất về Chúa Giêsu, giúp người đọc có thể tiếp thu dễ dàng, với cảm tưởng như đang sống lại thời kỳ cách đây 2000 năm, theo chân Ngài đi qua các làng mạc, nghe những lời rao giảng của Ngài.

Về phần Giáo hội Công Giáo cũng phải cố bắt kịp nhịp sống của thời đại Internet. Để góp phần quảng bá về Chúa Giêsu cho người Công giáo cũng như không Công giáo, vào tháng trước, Hội đồng Giám mục Pháp vừa « khai trương » một trang mạng về Chúa Giêsu ( jesus.chatholique.fr ) và một trong nhưng câu hỏi mà trang mạng này giải đáp, đó là : « Chúa Giêsu thật sự đã hiện hữu ? ».

Theo giải đáp của Cha Michel Garat, một trong những cộng tác viên của trang mạng này, trước hết, người ta có thể khẳng định Chúa Giêsu là có thật, dựa trên các sách Phúc âm, các Thư Thánh Phaolô. Nhưng theo Cha Michel Garat, ngay cả các nguồn không phải là Thiên chúa giáo cũng có đề cập đến nhân vật Giêsu.

Thực tế đúng là như thế. Như trong cuốn sách viết năm 44 sau Công nguyên, một trong những nhà sử học lớn của đế chế La Mã Tacitus đã từng viết rằng, người Kytô Giáo được gọi như vậy là vì họ là đồ đệ của Christ, « người mà tổng trấn Philatô giao hành hình » ( Annales, XV. 44.5 ).

Hay trong cuốn sách Cổ đại Do Thái viết vào nhữnng năm 93-94 sau Công nguyên, tức là cuối thế kỷ thứ nhất, nhà sử học Do Thái nổi tiếng Flavius Josephus, đã có một đoạn ngắn nói về một người mà ông gọi là « bậc hiền triết »: « Giêsu đã làm các phép lạ, đã thu hút nhiều người Hy Lạp và Do Thái, đã bị các lãnh đạo Do Thái tố giác và đã bị đóng đinh; các đồ đệ của ông vẫn tin vào ông, Giêsu đã sống lại và đã hiện ra cho họ thấy ».

Còn theo giáo sư Rémi Gounelle, thuộc Đại học Thần học Tin Lành Strasbourg, vào những năm đầu tiên của Kytô giáo, những người thờ đa thần ( paien ) và những người Do Thái Giáo đã cực lực chống tôn giáo mới này. Nếu họ nghi ngờ sự tồn tại của Chúa Giêsu, thì họ đã rêu rao ngay điều đó để bêu xấu các tín đồ Kytô giáo sơ khởi, chứ làm gì chịu để yên!

Nói chung, bên ngoài Giáo hội, ngày nay hầu như không có nhà sử học, nhà nghiên cứu nào phản bác những bằng chứng xác thực về nhân vật Giêsu.

Chúa Giêsu sinh ngày nào ?

Nhưng có nhiều điểm mà cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về cuộc đời của Chúa Giêsu, mà đầu tiên là vấn đề về ngày sinh của Ngài, mà nay nhiều nhà nghiên cứu, kể cả Giáo hoàng Benedicto 16, xác định không phải là ngày 25/12.

Các sách Phúc Âm không hề đưa ra ngày sinh cụ thể nào, thậm chí không nói rõ là Chúa Hài đồng đã mở mắt chào đời vào mùa nào. Phúc âm theo Thánh Máccô và Phúc âm theo Thánh Gioan lại không đề cập đến sự kiện này, còn Phúc âm theo thánh Mátthêu chỉ nói là Chúa sinh ra « vào thời Vua Hêrôđê ». Theo lịch sử, Vua Hêrôđê trị vì hơn 30 năm, từ năm 37 đến năm 4 trước CN.

Còn theo Phúc âm thánh Luca, Mẹ Maria, lúc ấy đang mang thai, phải đi đến Bêlem, nơi mà Giuse chồng bà phải có mặt để được kiểm tra dân số « trong khắc cả thiên hạ », theo lệnh của Hoàng đế Augúttô, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Nhưng làm sao Chúa Giêsu có thể sinh ra vào thời Vua Hêrôđê, chết vào năm 4 trước CN, mà lại có thể được kiểm tra dân số dưới thời « ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria », vào năm 6 sau CN, tức là 10 năm sau? Như vậy, theo Thánh Luca, Chúa Giêsu sinh ra vào thời điểm mà theo thánh Mátthêu lẽ ra Ngài đã được 10 tuổi.

Cũng theo Phúc âm theo Thánh Luca, khi Ðức Giêsu khởi sự rao giảng, « Người trạc ba mươi tuổi », vào một thời điểm được xác định là cuối năm 27 hoặc đầu năm 28 sau CN. Trong Phúc âm theo Thánh Gioan lại có đoạn:

« Ông Ápraham là cha các ông
đã hớn hở vui mừng
vì hy vọng được thấy ngày của tôi.
Ông đã thấy và đã mừng rỡ ».

Người Dothái nói: « Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápraham! »

Làm sao mà Chúa Giêsu khi gặp Thánh Gioan Tẩy Giả vào khoảng năm 30 tuổi, mà chỉ vài năm sau đã là « chưa được năm mươi tuổi » ?. Như vậy phải chăng Chúa Giêsu đã sinh ra trước 20 năm so với thời điểm mà chúng ta vẫn tưởng ?

Rõ ràng là các tác giả của những Phúc Âm ít quan tâm đến ngày sinh của Chúa Giêsu hơn là chúng ta. Từ khoảng năm 200 sau Công nguyên đã có một nhà thần học nêu lên các giả thuyết về ngày sinh của Chúa, đó là các tháng 3, tháng 4 hoặc tháng 5, chứ không hề có ai nói đến ngày 25/12.

Trong một thời gian dài, Ngày Chúa Giáng Sinh được ghi lúc này lúc khác. Tổ phụ Clément d'Alexandrie đề nghị mừng lễ Noel ngày 19/4, nhưng cũng có nhiều người chủ trương ngày 18/4 hoặc 24/3 hoặc 29/5. Các Giáo hội Phương Đông mừng Chúa ra đời ngày 6/1.

Xem lại lịch sử tôn giáo ta sẽ thấy là thật ra đến thế kỷ thứ 4, Giáo hội mới chính thức ấn định ngày sinh của Chúa Hài đồng. Cụ thể là sau nhiều tranh cãi gay gắt, mãi đến cuối triều đại Hoàng đế Constantin ( qua đời năm 337 ), Giáo hội Công giáo La Mã mới dứt khoát chọn ngày 25/12 là ngày Chúa Giáng sinh, thay thế cho ngày lễ thần Mặt trời, Mythra.

Giải thích thường được đưa ra nhất đó là Giáo hội muốn ngày lễ Giáng sinh trùng với một những ngày lễ đã có của những người thờ đa thần thời ấy, mà những ngày lễ thường tập trung vào mùa Đông. Mục đích là để thúc đẩy sự bành trướng của Thiên chúa giáo thuở ban đầu. Nhưng một số nhà sử học thì vẫn bác bỏ giải thích ấy, cho rằng nó không có cơ sở lịch sử.

Hai thế kỷ sau, Dionysius Exiguus, một trong những tu sĩ La Mã uyên thâm nhất thời đó, đề nghị thay thế kỷ nguyên Dioclétien ( tên một vị Hoàng Đế La Mã ) bằng Công Nguyên, với khởi điểm là Ngày chúa Giáng sinh, mà ông đặt vào năm 753 của La Mã ( tức là năm -1 của Dương Lịch ). Nhưng nhiều nghiên cứu lịch sử cho thấy là Dionysius Exiguus đã nhầm ít nhất là bốn năm! Thành ra, ví dụ như năm 2000 lẽ ra phải là năm 2004!

Bây giờ chính Cựu Giáo hoàng Benedicto 16, nguyên là một giáo sư thần học, cũng nhìn nhận rằng Chúa Giêsu không phải hạ sinh ngày 25/12. Trong cuốn sách thứ ba viết về cuộc đời của Chúa Giêsu, xuất bản năm ngoái, Ngài đã nêu ra những sai lầm trong việc xác định ngày và năm sinh của Đấng Cứu Thế và theo Giáo hoàng Benedicto 16, đúng hơn là Chúa Giêsu đã xuống thế làm người từ cách đó 6 hoặc 7 năm, chứ không phải cách đây 2013 năm. Nhưng Giáo hoàng Benedicto 16 cũng nhắc nhở rằng sai lầm về tính toán ngày sinh không có nghĩa Chúa Giêsu là một nhân vật hư cấu, mà thật sự Ngài đã sinh ra vào một thời kỳ cụ thể và tại một nơi cụ thể.

Chúa Giêsu thời niên thiếu

Nhưng thật sự thì chúng ta biết được những gì về Chúa Giêsu, ngoài những lời rao giảng và một số chi tiết được nêu trong các sách Phúc Âm, chẳng hạn như về thời niên thiếu của Ngài ?

Chúa Giêsu trải qua thời thơ ấu ở Nazaret, vùng Galilea. Cho đến năm 5 tuổi, Thánh Giuse là người dạy dỗ cho Chúa Giêsu thấm nhuần những nguyên tắc chính của đạo Do Thái. Nhưng sao đó thì không biết là Chúa Giêsu có đến trường hay không, vì cho đến năm 66 sau Công Nguyên, giáo dục mới trở thành bắt buộc đối với trẻ nhỏ. Nhưng một điều chắc chắn là theo tục lệ thời đó, người cha truyền nghề cho người con. Cho nên, Chúa Giêsu vừa học chữ, vừa học nghề của Thánh Giuse.

Cũng theo tục lệ thời ấy, đến năm 10 tuổi, các em phải học vào trường Giáo luật Do Thái. Đến năm 12 hoặc 13 tuổi thì rời trường này. Những em thông minh nhất thì được nhận vào trường « chuyên sâu », được cùng với người lớn ngồi nghe những lời thuyết giảng của các thầy giảng ( rabbi ) uyên thâm nhất. Bản thân một số em sau này cũng có thể trở thành thầy giảng. Chính vì được học trong trường này, mà khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã có thể đối đáp rành mạch với những người pharisien và những thầy giảng rabbi khác.

Năm 12 tuổi, cậu thiếu niên Giêsu nay có thể theo bố mẹ trong những lần hành hương, nhất là hành hương đến Thánh Địa Jerusalem vào dịp Phục Sinh. Từ Nazaret đến Jerusalem đi bộ phải mất bốn ngày đường. Vào những lúc đó, Thánh Địa đông nghẹt người, dân số bình thuờng khoảng 50 ngàn tăng gần gấp đôi. Khách hành hương đến từ những nơi đôi khi rất xa. Họ dựng lều ở tạm trên đồi Cây Olive hoặc nếu có kiếm nhà trọ trong những ngôi làng kế cận Jerusalem.

Thời thanh niên, Chúa Giêsu làm gì ?

Theo Sách Phúc Âm theo Thánh Máccô, dân làng Nazaret đã rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu khôn ngoan và làm được các phép lạ. Họ liền hỏi nhau: « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao ? ». Nhưng trong Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, thì câu hỏi này lại biến thành: « Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao ?»

Thật ra, chữ « thợ mộc » có thể là không chính xác. Theo giáo sư James Tabor, Đại học North Carolina, theo tiếng Hy Lạp, chữ tektone có nghĩa rộng hơn thợ mộc, tức là cũng có thể được hiểu như là "thợ xây". Nhất là vì ở xứ Galilê thời ấy, danh từ đó có lẽ dùng để nói về những người thợ làm nghề đá. Sách Phúc Âm theo Thánh Giacôbê cũng nói rằng Thánh Giuse là thợ xây nhà. Đúng là thời đó, nhà cửa chủ yếu xây bằng đá, gỗ chỉ được dùng để làm cửa hoặc sườn nóc nhà. Hơn nữa, những đồi núi Palestine rất cằn cổi, gỗ là thứ nguyên liệu rất hiếm. Bản thân Chúa Giêsu khi rao giảng cũng thường hay dùng những ẩn dụ về xây đá, chứng tỏ rất có thể Ngài rất rành về nghề này.

Chúa Giêsu có phải là con một?

Đây cũng là câu hỏi mà các nhà sử học nghiên cứu về Chúa Giêsu thường đặt ra, bởi vì nếu chiếu theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu dường như có nhiều anh em.

Sách Phúc Âm theo thánh Luca khi nói về gia đình của Chúa Giêsu đã « liệt kê » một danh sách ít nhất là sáu người con và Chúa Giêsu có vẻ là con cả của gia đình đông con này. Nhưng thế thì em trái và em gái của Chúa Giêsu là ai?

Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường Do Thái Giáo ở Nazareth, cử tọa đã ngạc nhiên hỏi: « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?» Như vậy chẳng phải Chúa Giêsu có ít nhất 6 em trai, em gái là gì. Bốn người em trai của Chúa Giêsu đều mang tên của các tổ phụ. Có thể đây là dấu hiệu cho thấy gia đình Chúa Giêsu tuân thủ rất nghiêm chỉnh truyền thống Do Thái Giáo. Hai người em gái không được nêu tên cũng là điều dễ hiểu, vì đó là thời của chế độ gia trưởng.

Nhưng đó là căn cứ theo Phúc Âm theo Thánh Luca. Trên thực tế, vào thế kỷ thứ 2, giới Kytô giáo đã bất đồng với nhau về chuyện này. Đã nói là Đức Mẹ Đồng Trinh, thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, vậy những người con kia sinh ra như thế nào? Nếu sinh ra một cách bình thường thì hóa ra Đức Mẹ không phải là đồng trinh trọn đời à ?

Thánh Jerôme là Giáo phụ đầu tiên khẳng định rằng, những người anh em của Chúa Giêsu thật ra là anh em bà con, chứ không phải anh em ruột. Vốn là một nhà ngôn ngữ học và rất rành tiếng Do Thái, Thánh Jerôme lập luận rằng, trong tiếng Do Thái, chữ « ach » vừa có nghĩ là « anh em », nhưng vừa có nghĩa là « anh em bà con ». Khi dịch sang tiếng Hy Lạp Kinh Thánh Do Thái, bản dịch Septante chuyển « ach » thành "« adelphos », chỉ có nghĩa là « anh em ». Cho nên, trong các Phúc Âm chỉ nói là anh em của Chúa Giêsu.Nhưng vấn đề là lập luận của Thánh Jerôme khó đứng vững. Theo nhà nghiên cứu Mỹ John P.Meier, trong tiếng Hy Lạp, chữ « adelphos » không bao giờ bao hàm luôn cả « anh em bà con ».

Thành ra có những người khác đưa ra giả thuyết rằng, danh từ « anh em » ở đây thật ra có nghĩa là anh em đồng đạo, giống như người pharisien thường nói với nhau trong nội bộ. Khi thánh Phaolồ viết trong Thư gửi tín hữu Ga-Lát: « Tôi đã không gặp một vị Tông Ðồ nào khác ngoài Giacôbê, người anh em của Chúa », ý Ngài muốn nói trên anh em đồng đạo. Ai cũng thấy là người « anh em » đó đã có vai trò quan trọng như thế nào, vì Thánh Giacôbê đã được chỉ định là lãnh đạo Hội Thánh Jerusalem.

Các Phúc Âm rất ít khi nói về gia đình Chúa Giêsu. Nhưng khi nói đến thì lại đưa ra những chi tiết khá kỳ lạ. Chẳng hạn như Phúc Âm theo Thánh Máccô viết : « Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí ». Vì sao gia đình của Chúa lại có phản ứng như vậy?

Còn bản thân Chúa Giêsu thì nói gì về gia đình của Ngài? Hãy đọc Phúc Âm theo Thánh Máccô, chương 3 : « Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi ».

Thật ra, theo tác giả Daniel Marguerat, tác giả cuốn « Jesus, ses frères et ses soeurs », qua những câu nói trên, Chúa Giêsu không hề có ý đả phá thiết chế gia đình, mà muốn nhấn mạnh đến việc con người được Thiên Chúa tha thứ, xóa tội, bất kể người đó thuộc phe nhóm nào, thuộc làng xã nào hay thuộc quốc gia nào.

Chúa Giêsu và nữ Thánh Maria Mácđala

Trong các nghiên cứu về Chúa Giêsu, nếu có nhân vật nào làm tốn hao giấy mực nhất, thì đó có lẽ là Maria Mácđala. Bà là nữ Thánh nổi tiếng nhất trong các nữ Thánh, ngoại trừ Mẹ Maria. Theo các sách Phúc Âm, Maria Mácđala là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng cuộc sống của bà sau đó là như thế nào, người ta chẳng được biết bao nhiêu. Thành ra có rất nhiều huyền thoại được thêu dệt chung quanh nhân vật này ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Các hoạ sĩ thời xưa cũng đua nhau tôn vinh nữ Thánh Maria Mácđala, sắc đẹp biểu tượng cho đức tin Kytô giáo.

Ngay cả đến bây giờ, sức hấp dẫn của Maria Mácđala vẫn không suy giảm. Bằng chứng là cuốn sách Da Vinci Code của Dan Brown, khai thác huyền thoại Maria Mácđala, đã lôi cuốn không biết bao nhiêu là độc giả trên toàn thế giới, cho dù tác giả đã nhấn mạnh đây chỉ là tác phẩm hư cấu. Sử dụng một cách tài tình những địa danh có thật, những nhân vật trong Phúc Âm, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, những chức sắc Giáo hội trong lịch sử và những tổ chức bí ẩn, Dan Brown đã « xào nấu » lại một giả thuyết có từ ngàn xưa: Maria Mácđala là.. . tình nhân của Chúa Giêsu, đã có với Ngài một đứa con và Giáo hội sau đó đã làm đủ mọi cách để « ém nhẹm » việc này.

Giả thuyết này có lẽ xuất phát từ những Phúc Âm như Phúc Âm theo Thánh Maria, mà người ta cho là của Maria Mácđala, nhưng nguồn gốc chính xác không biết là từ đâu và được chép lại vào đầu thế kỷ thứ 5. Sách này mô tả Maria Mácđala như là người bạn gái rất thân của Chúa Giêsu, người mà Chúa truyền dạy những điều bí hiểm nhất.

Nhưng nhìn từ khía cạnh lịch sử, câu hỏi được đặt ra vẫn là: Maria Mácđala thật sự là ai? Nếu chỉ đọc bốn quyển Phúc Âm chính thống, thì thật khó mà có lời giải đáp cho câu hỏi này. Sách Phúc Âm theo Thánh Luca khi kể về Chúa Giêsu đi qua các làng mạc, thành phố để loan báo Tin Mừng, có đoạn: « Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh, trong đó có bà Maria Mácđala ».

Đoạn văn này đáng chú ý hơn nữa là vì trong các Phúc Âm, các phụ nữ ít khi nào được kể tên. Mặt khác, sau khi đã trung thành theo Chúa cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá và sau khi đã dự vào việc chôn cất Chúa, bà đã cùng với các phụ nữ khác mua dầu và thuốc thơm để tẩm liệm cho Ngài : « Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền » ( Phúc Âm theo Thánh Luca ). Maria Mácđala cũng là người đầu tiên nhìn thấy Chúa sống lại từ cõi chết.

Nhưng về sau, vai trò của Maria Mácđala nói riêng và các phụ nữ nói chung trong Giáo hội dần dần bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Điều này được thể hiện qua một đoạn trong Sách Phúc Âm. Khi Maria Mácđala giải thích cho các Thánh Tông đồ về những gì mà Chúa Giêsu giảng dạy cho bà, Thánh Phêrô đã phản ứng: « Làm sao mà Thầy có thể nói cho một phụ nữ những bí mật mà chúng ta không biết? Chẳng lẽ chúng ta phải nghe người phụ nữ này? Có đúng là Thầy đã chọn và ưu ái bà ấy hơn chúng ta ?».

Trong cuốn sách « Jésus, cet homme inconu », tác giả Christine Pedotti nhấn mạnh rằng, phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Pedotti ghi nhận là các bà đã được đặt ngang hàng với 12 Thánh Tông Đồ, tức là nằm trong số những người rất thân cận với Chúa Giêsu. Nhà báo Pedotti lấy làm tiếc là các nhà nghiên cứu về Chúa Giêsu cho tới nay đã không nêu bật điều đó.

Lý giải mà tác giả đưa ra là các sách Phúc Âm chủ yếu đã được đọc và được bình phẩm bởi những người đàn ông, trong những xã hội mà phụ nữ không được quyền nói và quyền được giáo dục. Bà Pedotti rất đồng cảm với những phụ nữ, đã bỏ cả chồng con để theo chân Chúa Giêsu, đã ở bên Ngài cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá, trong khi các Thánh Tông đồ, kể cả Thánh Phêrô, chạy tứ tán như rắn mất đầu.

Cái độc đáo trong cuốn sách của Pedotti đó là bà chia sẽ niềm say mê của bà với nhân vật Giêsu, như nữ thánh Maria Mácđala, như một người phụ nữ bị quyến rũ bởi một người đàn ông đầy sức hấp dẫn.

Có thể nói là chúng ta hiện có cả một bộ Bách Khoa Toàn Thư về Chúa Giêsu và bộ sách này, trong 1000 năm hay 2000 năm sẽ còn được bổ sung thêm nhiều cuốn nữa và có lẽ sẽ không bao giờ dứt, bởi vì Chúa Giêsu là đề tài nghiên cứu vô tận.


2 comments: