HINH

Thông điệp của ĐGH Phanxico

Thanh Trúc, phóng viên RFA ...>>Đọc thêm>>

Wednesday, February 25, 2015

Chùa Phật Quang cầu siêu cho nạn nhân Tết Mậu Thân

Lâm Hoài Thạch/Người Việt
HUNTINGTON BEACH, California (NV) - “Hàng năm, vào Tháng Giêng Âm Lịch, thiện hữu Phật tử Little Saigon có tổ chức lễ hiệp kỵ và cầu siêu cho các hương linh oan hồn uổng tử trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, đồng thời cũng cầu siêu cho các tử sĩ trong QLVNCH và những nạn nhân chiến tranh Việt Nam.”

Ðó là lời của ông Võ Ý, thành viên ban tổ chức buổi lễ cầu siêu, được tổ chức lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 22 Tháng Hai, nhằm ngày 4 Tháng Giêng Ất Mùi tại chùa Phật Quang, Huntington Beach.

n
Nhóm Thiện Hữu Phật Tử Little Saigon cúng trai đàn ngoài sân chùa Phật Quang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ðặc biệt, buổi lễ cầu siêu có sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng, quyền chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo kiêm chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành/GHPGVNTN/Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.

Sau nghi thức khai mạc và phút mặc niệm, ông Hồ Minh Lữ, trưởng ban tổ chức, phát biểu.

Ông cho biết: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi không có địa điểm tổ chức cố định. Ở Little Saigon có nhiều chùa cho phép chúng tôi được làm lễ cầu siêu này, và đến đâu chúng tôi cũng đều gặp thiện cảm, từ tâm. Năm nay, đây là lần đầu tiên, chúng tôi cảm nhận được sự linh ứng các hương linh, các thân linh được an trú vào ngôi chùa chung, đạo tình chan hòa an lạc, rất phù hợp với ban tổ chức, đúng với lý tưởng mong muốn.”

Vị hội trưởng cũng cho biết thêm, lễ này, không có nghĩa là khơi dậy đống tro tàn hận thù, nhưng mà nó vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm linh như nhắc nhở đừng quên về biến cố Mậu Thân, 25 ngày đêm Huế chịu trong máu lửa và tang tóc, nẻo nào, xóm nào cũng có người chết.

Người ta khui những hầm dân oan bị sát hại, tiếng khóc than ngút trời đất. Những cảnh hãi hùng không bao giờ quên vào sáng ngày 26 Tháng Giêng Mậu Thân, 1968, và lúc đó dân chúng đã thấy được màu áo chiến binh của QLVNCH giải cứu cho người dân thoát nạn, coi như là được tha một bản án tử hình.

Lễ cầu siêu bên trong chùa Phật Quang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, vết thương lòng chưa hàn gắn được, nước mắt chưa khô cho Huế, do đó, tùy hoàn cảnh, nhóm thiện hữu Phật tử Little Saigon vẫn tổ chức buổi lễ hiệp kỵ và cầu siêu cho các hương linh và thân linh.

Kế đến, đạo hữu Tâm Quang nói về ý nghĩa của buổi tổ chức, theo ông, buổi lễ hôm nay chia làm ba phần. Phần thứ nhất là khai kinh bạch Phật, phần thứ hai là thỉnh và tiễn chư hương linh, phần thứ ba là lễ bạt tiến chư âm lịch cô hồn, và cuối cùng là lễ hòa kinh.

“Ðiều quan trọng là chúng ta phải an tịnh tâm với những đau thương quá khứ. Kể ra thì nhớ và chúng ta cũng đã nhớ rồi, nếu không nhớ thì cái mùa Xuân ở đất Mỹ bận bịu như thế này, nếu quý vị không nhớ thì quý vị không đến đây đông đảo như ngày hôm nay. Như vậy chúng ta đã có nghĩa, có tình đối với những người đã hy sinh cho chúng ta,” đạo hữu Tâm Quang nói.

Vị đạo hữu này nói tiếp: “Ðiều quan trọng tôi mong muốn rằng, chúng ta phải thành tâm cầu nguyện. Nhờ cái tâm của chúng ta giao cảm với thần lực với chư Phật, chư đại bồ tát và chư đại Phật tăng, chắc chắn những hương linh và thân linh của chúng ta sẽ được siêu thoát.”

Lời chứng minh của Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng cho biết, hận thù thì chúng ta nên quên đi, nhưng có một việc mà chúng ta cần phải nhớ và không chỉ nhớ đơn thuần, mà chúng ta phải nhớ thật rõ và rất kỹ.

Biến cố Mậu Thân là một biến cố đặc biệt trong cuộc thảm sát tại Huế, là một trong những hình ảnh rất đau thương bởi vì người Việt của chúng ta không thể quên, chúng ta rất cần những bài học như thế để chúng ta tránh được những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhóm Thiện Hữu Phật Tử Little Saigon, gồm 10 đạo hữu gốc Thừa Thiên Huế đến tham dự lễ cầu siêu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Vị thượng tọa nói thêm: “Cho đến giờ phút này, cả thế giới này vẫn còn tiếp tục những cuộc thảm sát như tại Bosnia, Kosovo,... và cũng nên nhớ về sự diệt chủng ở Cambodia, những sự việc đã xảy ra ở trong thế giới mà chúng ta nghĩ rằng rất là thông minh, nhưng mà sự thảm sát nhân loại vẫn tiếp tục cứ xảy ra, mặc dù người ta vẫn cố gắng hết sức, như ở miền Nam Sudan chẳng hạn, cũng không dễ dàng tránh được những cuộc thảm sát như vậy.”

Thượng tọa nói tiếp: “Ðiều thứ hai tôi muốn chia sẻ với quý vị ở đây là trong tinh thần của người con Phật, chúng ta vẫn công đức cho những người đã mất, thì thật ra đa số người ta nghĩ rằng, quý thầy, hoặc quý sư cô tụng kinh là điều tốt nhất, nhưng thật ra ở trong kinh thì chính do những người thân cầu nguyện hồi hướng công đức là điều tốt nhất.”

Cũng theo lời giảng của thượng tọa, người chăm sóc cho chúng ta, mà chính người đó là người thân của mình thì từ bàn tay thương yêu của người đó, hoặc của bà mẹ chăm sóc cho người bệnh, thì có tác dụng để chữa bệnh nhiều hơn.

Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng tiếp: “Và khi hồi hướng công đức cũng vậy, khi mà quý vị có liên hệ hoặc xa hay gần, bằng cách này, cách khác với những người đã mất và nhất là những người đã mất trong cuộc thảm sát. Chính những người thân mà quý vị còn giữ được tâm tĩnh trong ngày hôm nay về những đau thương cho những thân nhân của mình ở trong cuộc thảm sát như vậy, thì rất cần cho chúng ta được làm những cuộc hồi hướng hàng năm.”

Tiếp theo ban nghi lễ hành lễ khai kinh và cúng Tam Bảo, với sự chứng minh niệm hương và chú nguyện của Thượng Tọa Thích Giác Ðẳng.

Sau cùng là lễ thỉnh tiến chư hương linh, hỉnh linh yết Phật cầu siêu, lễ bạt tiến chư âm linh cô hồn, và lễ hòa kinh, cùng với lời cảm tạ của ban tổ chức và phần thọ trai.